Đòn
bẩy mới cho khu Đông
Cuối tuần qua,
lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã ngồi lại với nhau bàn
phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP.HCM với huyện Nhơn
Trạch, tỉnh Đồng Nai. Bước đầu, hai địa phương đã thống nhất với nhau các
phương án triển khai dự án với quyết tâm sẽ khẩn trương xây dựng nhanh công
trình này.
Với tổng vốn đầu
tư dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng, cầu Cát Lái được đánh giá có ý nghĩa lớn trong
chiến lược kết nối hạ tầng liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế
của Đồng Nai và cả TP.HCM, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào
các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế
mạnh.
Cầu Cát Lái sẽ sớm được khởi công xây dựng |
Khi cầu Cát Lái
được xây dựng, hệ thống giao thông TP.HCM - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền
mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi
sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ
hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành; chia sẻ lưu lượng phương
tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
trong ngày thường lẫn dịp lễ.
Một thông tin tạo
sự chú ý hơn với giới đầu tư là sau thời gian chuẩn bị, mới đây, TP.HCM đã
chính thức “bấm nút” đưa ý tưởng biến khu Đông TP.HCM thành khu đô thị sáng tạo
vào thực tế, bằng việc phê duyệt nhiệm vụ cuộc thi quốc tế ý tưởng quy hoạch đô
thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM trong phạm vi các quận 2, 9 và Thủ
Đức với diện tích hơn 21.172 ha.
Cuộc thi này nhằm chuyển đổi khu vực phía
Đông trở thành khu đô thị sáng tạo, góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng
(từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn
nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công
nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ
tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu
quả cho doanh nghiệp.
Thep phân tích của
các chuyên gia, nếu nói hạ tầng là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất
động sản, thì quả thật khu Đông đang có lợi thế đi đầu. Đến thời điểm này, hầu
hết những công trình giao thông trọng điểm đều đi qua khu Đông, như hầm sông
Sài Gòn, đường Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2 nối từ trung tâm Thành
phố với quận 2 và quận 9, hay đường Phạm Văn Đồng, nối Sân bay Tân Sơn Nhất với
quận Thủ Đức…
Hầm Thủ Thiêm giảm áp lực cho giao thông khu vực trung tâm, tạo điều kiện phát triển KĐT Thủ Thiêm |
Không chỉ thế,
tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng nối trực tiếp khu Đông
với Đồng Nai, rồi dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1), đang
được xây dựng, dự kiến sẽ chính thức đưa vào khai thác vận hành năm 2020, cũng
kéo dài xuyên suốt từ khu Đông vào trung tâm TP.HCM.
Đặc biệt gần đây,
TP.HCM có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng giao
thông vào khu Đông. Theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, trong năm 2018 - 2019,
sẽ triển khai 3 dự án giao thông quan trọng thuộc tuyến đường Vành đai 2 nhằm
giảm ùn tắc giao thông cục bộ với số vốn hơn 13.000 tỷ đồng.
Trong đó, 2 dự án
giao thông trọng điểm của khu Đông cấp bách cần áp dụng cơ chế đặc thù để sớm
hoàn thành như các đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, từ nút giao Bình Thái
đến đường Phạm Văn Đồng.
Sau khi các dự án
này được triển khai, sẽ giúp khép kín tuyến đường Vành đai 2 dài 69 km được xác
định với lộ trình kết nối toàn vùng của khu Đông từ nút giao thông cầu vượt Gò
Dưa (Quốc lộ 1, quận Thủ Đức) với nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với
Quốc lộ 13), cầu Rạch Chiếc (quận 9) và vầu Phú Mỹ (quận 2) sang quận 7.
Đón làn sóng mới
Dù các thông tin
về chính sách phát triển hạ tầng của phía Đông TP.HCM gần đây ít nhiều đã được
biết đến trước đó, song với giới đầu tư kinh doanh địa ốc, cứ sau mỗi đợt có
những thông tin mới về sự khởi động các công trình hạ tầng, ngay lập tức trở
thành điểm nóng đón đầu xu hướng của giới đầu tư.
Hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực |
Theo ghi nhận của
phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian gần đây, bất động sản khu vực
phía Đông của TP.HCM luôn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư và giá không ngừng
tăng. Chẳng hạn, thông tin xây dựng cầu Cát Lái được cho sẽ có sự tác động mạnh
nhất tới thị trường bất động sản quận 2 (TP.HCM) và Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Theo giám đốc một
công ty môi giới bất động sản, về phía quận 2, thực tế cho thấy, sự chênh lệch
về mặt bằng giá giữa các khu vực rất lớn. Trong khi giá nhà đất ở những khu vực
có hạ tầng phát triển gia tăng khá cao, thì giá đất quanh khu vực phà Cát Lái
còn khá mềm, do khu vực này đang bị bó buộc bởi sự quá tải hạ tầng. Vì vậy, một
khi cầu Cát Lái được xây dựng, hạ tầng khơi thông, sẽ tạo nên đợt sóng về giá
của khu vực này. Tuy nhiên, nếu cầu Cát Lái được xây dựng, Nhơn Trạch sẽ là khu
vực được hưởng lợi nhiều nhất.
Theo ông Nguyễn
Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Techcom Real, thực tế, Nhơn Trạch
chỉ cách quận 2 của TP.HCM chỉ một con sông, nhưng giá đất ở Nhơn Trạch mới chỉ
bằng 15 - 20% so với quận 2. Do vậy, nếu cầu Cát Lái được xây dựng, chắc chắn
Nhơn Trạch sẽ trở thành một khu vực thu hút nhiều người dân TP.HCM chuyển về
sinh sống và khả năng cao, thị trường bất động sản Nhơn Trạch sẽ hình thành nên
mặt bằng giá mới.
TP mới - Nhơn Trạch |
“Tuy nhiên, cầu
Cát Lái bao giờ được xây dựng là vấn đề được đặt ra, bởi thực tế, thông tin về
việc xây dựng cầu Cát Lái đã râm ran cách đây cả chục năm và Nhơn Trạch cũng đã
không ít lần diễn ra những đợt sốt đất ăn theo thông tin cây cầu này, nhưng đến
nay vùng đất này vẫn còn khá hoang sơ với hàng loạt dự án khu đô thị lớn bị bỏ
hoang”, ông Lộc nói và cho rằng, cơ hội hay rủi ro của các nhà đầu tư vào thị
trường đất Nhơn Trạch hay cả phía quận 2 có thể nói phụ thuộc chủ yếu vào việc
xây dựng cây cầu này.
Ngoài sự tác động
của cầu Cát Lái, theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản, nhiều khu
vực khác của khu Đông gần đây không ngừng tăng giá mạnh. Theo phân tích của
giới chuyên môn, việc giá đất tại khu Đông ngày càng tăng giá là điều dễ hiểu,
trong đó yếu tố chính là do sự phát triển của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn
thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm Thành phố.
Ông Đinh Duy
Trình, Giám đốc Công ty Bất động sản VN Group cho rằng, xét ở góc độ nhu cầu
chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông
vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn nhất, đặc biệt là khu Đông trong tương lai sẽ trở
thành khu đô thị sáng tạo.
“Hiện nay, áp lực
về tình trạng quá tải giao thông đô thị đã khiến nhiều người trước nay sống ở
khu Nam hay ở các quận như Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, ngày phải
đối mặt với tình trạng kẹt xe, đã tính đến chuyện phải chuyển về khu Đông để
sinh sống”, ông Trinh nói và cho biết, hiện nay, tình trạng kẹt xe ở các quận
kể trên khó có thể giảm, mà chỉ có thể ngày càng trầm trọng hơn do đây là những
khu vực dân cư hiện hữu ổn định, khó có thể mở rộng đường, trong khi khu Đông
nhờ phát triển sau, nên hướng mở về giao thông rất thông thoáng. Do vậy, việc
chuyển về khu Đông để an cư đã trở thành xu hướng của nhiều người muốn tìm sự
thông thoáng và tránh tình trạng kẹt xe.
Nhận xét
Đăng nhận xét